Thư viện Tin tức – Sự kiện Liên hệ Login
/
[20/11] Phi công Thái Tân – Giáo viên kiểm tra bay trẻ nhất VNA
Ngày 19.11.2019
[20/11] Phi công Thái Tân – Giáo viên kiểm tra bay trẻ nhất VNA

Ở tuổi 30, Cơ trưởng Thái Tân đã có 9 năm điều hành buồng lái và 5 năm kinh nghiệm dạy học. Hiện anh là người trẻ nhất trong đội ngũ giáo viên kiểm tra bay của VNA.

Hành trình nghề nghiệp

Thái Tân sinh năm 1989, tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, anh thi vào khoa Kỹ Thuật Hàng không, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Chỉ sau một học kỳ, biết tin VNA tuyển phi công, anh bảo lưu kết quả, thử sức làm phi công và thi đỗ. Bước vào thời kỳ huấn luyện cơ bản, Thái Tân nhận thấy bay lượn cùng những “con chim sắt” mới là đam mê của mình, từ đây anh nghỉ hẳn Bách Khoa, tập trung chinh phục bầu trời.

Thái Tân nhớ lại, sau khi thi đỗ VNA, anh được huấn luyện một năm rưỡi tại trung tâm FTC, rồi du học 17 tháng ở trường ESMA (Pháp). Năm 2010, anh học chuyển loại 320/321 ở Malaysia, rồi nâng cấp lái chính ở Bangkok. Đến năm 2015, anh chính thức trở thành giáo viên dạy buồng lái mô phỏng.

Hiện Thái Tân vừa là cơ trưởng, vừa là giáo viên kiểm tra bay. Ngoài tham gia giảng dạy ở FTC, anh còn cộng tác với trường Bay Việt, hướng dẫn môn phối hợp tổ lái cho học viên, kết hợp ôn lại kiến thức cho chính mình. Tính đến nay, anh đã bay được 7.000 giờ, trong đó có 1.000 giờ thực hành ở buồng lái mô phỏng.

“Xưng hô thầy trò vì tôn trọng lẫn nhau”

Để trở thành giáo viên của trung tâm, anh cho biết phi công phải đạt ít nhất 1.500 giờ bay. Bên cạnh đó còn các tiêu chí khác như: quá trình bay khai thác luôn đảm bảo an toàn, các bài kiểm tra nâng cấp và năng định có kết quả tốt, được giáo viên hướng dẫn đánh giá có năng lực sư phạm. Sau khi đủ điều kiện, anh tham gia phỏng vấn, đạt yêu cầu và trở thành giáo viên huấn luyện.

Tuy nhiên, Thái Tân khiêm tốn cho rằng, tất cả do may mắn chứ không phải vì mình quá xuất sắc. “Tôi vào nghề sớm, khi mới 19 – 20 tuổi, trong khi nhiều người tốt nghiệp đại học mới đi làm phi công. Thời điểm tôi tham gia huấn luyện, môi trường hàng không chưa bùng nổ, đội ngũ phi công chưa nhiều như bây giờ, do vậy thời gian bay tích lũy mình nhiều hơn, nhanh chóng đạt chuẩn yêu cầu giờ bay để làm giáo viên hơn”.

Cơ trưởng 30 tuổi cũng tiết lộ, để trở thành giáo viên, anh đã được các thế hệ trước hướng dẫn và truyền đạt nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm bay. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên có một phong cách truyền đạt khác nhau do đó anh đã có nhiều cơ hội để học hỏi và xây dựng một phong cách giảng dạy riêng của mình, tuy nhiên người có ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách của tôi là anh Bùi Thái Sơn – Đoàn phó ĐB 919, anh Nguyễn Như Ngọc – Đội trưởng đội bay A321 phía Nam và Thầy Peter Wilson.

Đứng lớp khi mới 25 tuổi, anh thường xuyên gặp học viên lớn tuổi hơn mình. Cơ trưởng cho rằng: “Tôi không phải thầy giáo, chỉ là người hướng dẫn. Đối với lĩnh vực hàng không nói chung, dạy bay nói riêng, tôi chỉ truyền đạt lại những gì mình đã tích lũy từ thế hệ trước. Còn các mặt khác, nhiều người rất xuất sắc, tôi phải học hỏi nhiều từ họ”. Dù ngại khi được gọi là thầy, anh hiểu rằng xưng hô như vậy là cách học viên thể hiện sự tôn trọng với mình nên vẫn ghi nhận.

“Tôi không phải thầy giáo, chỉ là người hướng dẫn. Đối với lĩnh vực hàng không nói chung, dạy bay nói riêng, tôi chỉ truyền đạt lại những gì mình đã tích lũy từ thế hệ trước. Còn các mặt khác, nhiều người rất xuất sắc, tôi phải học hỏi nhiều từ họ”.

Lớp học của anh sẽ lần lượt đi theo quy trình: học lý thuyết trong vòng hai tuần, sau đó vào buồng lái mô phỏng thực hành. Ở phần đầu, Thái Tân dạy về tính năng của máy bay A321, điều kiện khai thác đặc biệt, tính năng hệ thống… Còn phần thứ hai, anh sẽ kèm cặp từng học viên xử lý tình huống có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hoặc khi máy bay có hỏng hóc…

Trước khi đứng lớp, đặc biệt ở phần lý thuyết, anh đã nghiên cứu rất nhiều và bắt nhịp với phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy học trò làm trung tâm. “Học viên chuẩn bị bài ở nhà, lên lớp thuyết trình, giáo viên đóng vai trò định hướng. Điều này buộc họ phải tự học, gặp áp lực hơn nhưng cũng giúp học viên năng động và có kết quả tốt hơn”.

Bên cạnh đó, cứ 6 tháng một lần, mỗi phi công của VNA đều phải định kỳ kiểm tra về khả năng bay bằng thiết bị, bay tầm nhìn tối thiểu… là 1 giáo viên kiểm tra bay, Thái Tân cũng sẽ tham gia đánh giá năng định bay, kiểm chứng họ có đủ điều kiện để bay trong 6 tháng tiếp theo hay không.

Dù ngại khi được gọi là thầy, anh hiểu rằng xưng hô như vậy là cách học viên thể hiện sự tôn trọng với mình nên vẫn ghi nhận. (Ảnh: NVCC)

“Phi công cần đảm bảo hài hòa tất cả các mặt”

Trong 9 năm bay, Thái Tân gặp một số tình huống trên hành trình, đáng nhớ nhất là chuyến bay từ Nhật về Việt Nam thời điểm anh còn làm cơ phó. Lúc đó, máy bay vừa cất cánh thì động cơ hút một con vịt trời. Dù máy hỏng hóc không nặng nhưng an toàn bay chưa đảm bảo, phi hành đoàn phải quay lại sân bay Nhật trong tình trạng tải hạ cánh lớn hơn tải cho phép. Anh đã bình tĩnh phối hợp cùng cơ trưởng, áp dụng theo những điều đã học và hạ cánh an toàn. Thái Tân cho biết, các sự cố như vậy đều đã được tập dượt nhiều lần trên buồng lái mô phỏng, nên không bị động trước tình huống.

“Ở VNA, giáo viên dạy rất kỹ dựa trên hệ thống tài liệu tiêu chuẩn cao, 6 tháng một lần định kỳ kiểm tra, sau 3 năm sẽ đảm bảo tất cả các tình huống hỏng hóc được ôn tập để phi công không quên. Có như thế, gặp sự cố sẽ không bị lúng túng”.

Trong ngày Thái Tân trở thành cơ trưởng, đội trưởng đội bay A321 phía Nam Nguyễn Như Ngọc đã nói với anh: “Để lên vị trí lái chính đã rất khó khăn, giữ được vị trí đó còn khó hơn nhiều lần”. Câu nói ngắn gọn của “đàn anh” nhắc nhở Thái Tân về trách nhiệm lớn hơn khi đảm nhiệm vị trí điều hành chính của chuyến bay. Đó cũng là điều anh ghi nhớ và càng tâm đắc hơn sau khi tiếp nhận vai trò này.

Khi được hỏi về khó khăn trong nghề phi công, anh nhận định: “Những nghề khác gặp vấn đề có thể dừng lại, gọi người trợ giúp, còn chúng tôi tự xoay sở trong một thời gian, không gian nhất định. Bên cạnh đó, phi công cần phải có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc nhưng phải đúng thứ tự, chỉ có thể làm ABC chứ không được đảo lộn CBA…”

“Điều kiện cần với một người phi công xoay quanh hai chữ “vừa đủ”, các yếu tố về sức khỏe, trí tuệ, sự khéo léo, tính cách điềm đạm… phải “vừa đủ”. Ở công việc khác, bạn có thể vượt trội về một thứ, ví dụ giỏi toán chẳng hạn, nghề này thì không yêu cầu giỏi toán xuất sắc, nhưng cần sự hài hòa về các mặt”, cơ trưởng Thái Tân hóm hỉnh nói.

Ngoài ra, nghề phi công nắm giữ sự an toàn của hàng trăm sinh mạng, vì vậy anh cho rằng khi đã đảm nhiệm vai trò “chỉ huy” chuyến bay phải luôn ghi nhớ ba điều: Kỷ luật, Trách nhiệm và Tính chuyên nghiệp và đó cũng cũng chính là những yếu tố quan trọng tôi đưa vào trong công tác hướng dẫn và đánh giá học viên của mình.

Hình mẫu phi công mà Thái Tân đặt ra để phấn đấu là thầy Nguyễn Nam Liên – hiệu trưởng trường Bay Việt. Anh nói: “Chú có đam mê tuyệt đối với nghề bay, hy vọng đến tuổi đó, tôi vẫn giữ được nhiệt huyết như vậy”.

Hiện tại anh đã lập gia đình và có một bé gái 4 tháng tuổi. Về định hướng tương lai, anh nói vẫn muốn tiếp tục là giáo viên tại Đội bay A321, vừa truyền đạt kiến thức cho người đi sau lại có cơ hội ở gần nhà để hỗ trợ vợ chăm sóc con gái nhỏ trong khoảng thời gian này.

Với vai trò phi công, anh muốn dành thời gian tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức trước khi thử sức ở chặng bay đường dài và chuyển loại máy bay dòng máy bay to hơn như A350, B787…. Anh chia sẻ: “Những chặng bay dài không chỉ cần về chuyên môn mà còn nhiều yếu tố khác, có tình huống cần cả kinh nghiệm sống nữa. Tôi sẽ học hỏi dần, tới lúc cảm thấy đủ mới thử sức”.

Nguồn: http://spirit.vietnamairlines.com/

Tin tức khác

+84 905 325 860 / +84 909 345 860

vft@bayviet.com.vn

Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM

Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Copyright © 2024 Viet Flight Training
Designed by Rocket Digital