Thư viện Tin tức – Sự kiện Liên hệ Login
/
Sau 2022 mới xem xét lập hãng hàng không mới
Ngày 29.07.2020
Sau 2022 mới xem xét lập hãng hàng không mới

(NLĐO)- Chính phủ đồng ý trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Văn phòng Chính phủ mới có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14-5. Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT tại văn bản nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án.

Trước đó, theo Văn bản số 4620/BGTVT-VT, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Hiện nay Việt Nam có các hãng hàng không đang hoạt động: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vasco, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways. Hiện Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.

Theo Bộ GTVT, khi góp ý với hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vào tháng 10-2019, trong đó Bộ GTVT đã đánh giá giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa.

Dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và đạt xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025.

Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng máy bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 máy bay vào năm 2020 và 384 máy bay vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/tàu bay/năm).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong tình hình mới, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng.

Theo thông tin ngày 21-4-2020 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), IATA dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không, kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động.

Đối với Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo nêu trên. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.

Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo đã báo cáo. Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện tại, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Trước đó, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có tổng vốn 5.500 tỉ đồng. Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Vào giữa tháng 4-2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Nguồn: nld.com.vn

Tin tức khác
Khám phá máy bay ‘Made in Vietnam’ tại Triển lãm Quốc phòng 2024

Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.

[VTV] Tăng cường chuyến bay phục vụ Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %

Aviation News 16/12: Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines

Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam diễn tập chữa cháy, di dời máy bay gặp nạn

Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển

+84 905 325 860 / +84 909 345 860

vft@bayviet.com.vn

Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM

Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Copyright © 2016 Viet Flight Training
Designed by Rocket Digital