Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều hãng bay vào cảnh cạn kiệt nguồn thu. Tuy nhiên, hàng không Việt vẫn còn phao cứu sinh là thị trường nội địa với quy mô và sức phục hồi đáng kể.
Giữa tháng 9, Singapore Airlines công bố sẽ sớm khai thác những chuyến bay “không điểm đến” phục vụ hành khách có nhu cầu trải nghiệm cảm giác bay cũng như tạo nguồn thu mới trong đại dịch.
Dịch vụ mà hãng hàng không quốc gia Singapore đưa ra cho khách hàng là gói bao gồm nghỉ dưỡng khách sạn, đưa đón bằng xe limousine, mua sắm với phiếu giảm giá tại sân bay Changi (Singapore) và tất nhiên là không thể thiếu chuyến bay đặc biệt.
Nỗi khổ không có ‘sân nhà’
Hành khách sẽ làm thủ tục lên máy bay như thường lệ, trải nghiệm một chuyến bay kéo dài 3 giờ đồng hồ, cất cánh từ sân bay Changi và hạ cánh cũng tại sân bay này.
Nhiều hãng hàng không trong khu vực đang vật lộn với bài toán nguồn thu trong dịch Covid-19 do không có thị trường nội địa. Ảnh: Getty.
Đây là sản phẩm bay đặc biệt được Singapore Airlines ra mắt sau một khảo sát cho thấy 75% người tham gia sẵn sàng mua vé để lên những chuyến bay không điểm đến chỉ để trải nghiệm cảm giác bay.
Những chuyến bay không điểm đến cho thấy sự linh hoạt của Singapore Airlines để tạo ra nguồn thu trong mùa dịch, nhưng cũng cho thấy sự khó khăn của hãng bay này khi vận hành tại Singapore, quốc đảo không có thị trường hàng không nội địa.
Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động bay quốc tế trên toàn thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của những hãng bay phụ thuộc nhiều vào khai thác quốc tế như Singapore Airlines. Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 tới giữa tháng 8, hãng đã “đốt” khoảng 3,2 tỷ USD vì ảnh hưởng của đại dịch.
Singapore Airlines không phải là hãng bay đầu tiên phải bổ sung nguồn thu nhờ những chuyến bay không điểm đến. Vào tháng 8, hãng bay ANA (Nhật Bản) và hai hãng hàng không ở Đài Loan cũng đã bán vé những chuyến bay không điểm đến khi thị trường nội địa quá nhỏ hoặc bị ảnh hưởng nặng vì dịch.
Theo IATA, đến tháng 4, số chuyến bay toàn cầu đã giảm đến 98% so với năm ngoái. Tổ chức này dự báo hàng không toàn cầu sẽ lỗ 84 tỷ USD trong năm 2020.
Cũng buộc phải ngừng khai thác quốc tế như Singapore Airlines hay ANA, những các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì được nguồn thu sinh tồn quan trọng từ thị trường nội địa hơn 90 triệu dân, vốn chiếm khoảng 60% tổng nguồn thu của hàng không Việt.
Vượt dịch bằng thị trường nội địa
Với đặc điểm địa lý trải dài cùng việc các loại hình vận tải hành khách khác như đường bộ hay đường sắt kém phát triển, Việt Nam trở thành thị trường hàng không nội địa lý tưởng. Không ngẫu nhiên khi đường bay TP.HCM – Hà Nội luôn trong nhóm 5 đường bay nhộn nhịp nhất thế giới những năm gần đây.
Trong khi các thị trường hàng không nội địa trong khu vực điêu đứng vì dịch bệnh thì thị trường nội địa Việt Nam cho thấy dấu hiệu phục hồi rất nhanh mỗi lần Covid-19 được kiểm soát.
Sân bay Nội Bài quá tải vào tháng 7 khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới cho thấy sức bật của thị trường hàng không nội địa Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Cụ thể, sau lần đầu dịch được kiểm soát vào tháng 5, thị trường hàng không nội địa Việt Nam đã ghi nhận mô hình phục hồi chữ V khi lượng khách tăng nhanh trở lại, có thời điểm khiến các sân bay như Nội Bài và Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng quá tải.
Trong hai tháng 6 và 7, các hãng hàng không đã nhanh chóng bổ sung đường bay, tăng tần suất bay, giảm giá để kích cầu tối đa thị trường nội địa. Tính riêng Vietnam Airlines, tới tuần thứ 3 của tháng 7, hãng thực hiện trên 500 chuyến bay/ngày, tăng trưởng 40% so với năm 2019.
Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của hãng, cũng chia sẻ doanh thu hai tháng 6 và 7 của Vietnam Airlines đã vượt kỳ vọng khi đạt 1.700 tỷ đồng, mang về cho hãng dòng tiền quý giá trong lúc khó khăn.
Việc Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt đợt bùng phát Covid-19 thứ hai cũng một lần nữa tạo điều kiện để hàng không nội địa phục hồi. Khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng vào đầu tháng 8, lượng chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines ngay lập tức giảm 5 lần.
Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 tháng, số ca nhiễm mới trong cộng đồng được kiểm soát, Vietnam Airlines đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa. Số lượng chuyến bay khai thác của hãng cũng dần phục hồi, hiện ở mức 200 chuyến bay/ngày và với gần 40.000 lượt hành khách.
Tương tự, Bamboo Airways cho biết khi dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng, hãng chỉ vận chuyển khoảng 5.000-6.000 lượt khách/ngày. Con số này hiện hãng đã đạt 12.000-15.000 lượt/ngày, cho thấy tốc độ phục hồi của thị trường nội địa.
Cuối tuần qua, sân bay Nội Bài cũng đã đón hơn 250 lượt chuyến bay, với trên 29.000 lượt hành khách trong một ngày, tăng gần gấp 3 lần so với tháng 8.
Việc Chính phủ đặt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế đang phần nào thể hiện qua thị trường hàng không nội địa Việt Nam. Khó khăn trong mùa dịch của các hãng bay và doanh nghiệp trong ngành vẫn hiện hữu, tuy nhiên thị trường hàng không nội địa Việt Nam vẫn đang là phao cứu sinh mà nhiều hãng bay trong khu vực không thể có.
Nguồn: zingnews.vn
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang