Trong các hình thức vận tải hành khách, hàng không là một trong những ngành đòi hỏi an toàn đến mức tuyệt đối và sự chỉn chu cho mỗi chuyến bay. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể uy hiếp sự an toàn của cả chuyến bay.
Không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ tai nạn máy bay ở mức 1 trên 11 triệu, còn thấp hơn nhiều lần tỷ lệ một người bị sét đánh trúng hoặc bị cá mập cắn. Đằng sau con số đáng kinh ngạc ấy là nỗ lực của cả một đội ngũ đông đảo.
Phi công, tiếp viên lo “chuyện trên trời”
Khi máy bay đang thực hiện chuyến bay, chuyện đảm bảo an toàn bay nằm trong tay phi công và tiếp viên. Một phi hành đoàn trên máy bay thân hẹp dạng A320 thường có một cơ trưởng, một cơ phó và 5 tiếp viên.
Máy bay là phương tiện giao thông an toàn bậc nhất và để duy trì điều này, rất nhiều con người được đào tạo chuẩn mực phải làm việc vô cùng kỷ luật và chính xác. |
Cơ trưởng sẽ chịu trách nhiệm cho an toàn của toàn bộ chuyến bay, bao gồm phi hành đoàn, hành khách và cả chiếc máy bay. Cơ trưởng phải đảm bảo toàn bộ các bước kiểm tra cần thiết được thực hiện trước, trong và sau chuyến bay.
Điều này không đồng nghĩa cơ trưởng sẽ giao toàn bộ những việc có tính lặp lại cho cơ phó mà cả hai sẽ cùng thực hiện những khâu trên. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ trưởng có thể giao lại cho cơ phó toàn bộ các bước trên để tập trung xử lý tình huống.
Trong trường hợp cơ trưởng cần nghỉ ngơi hoặc gặp tình huống về sức khỏe, cơ phó sẽ là người thay thế, chịu trách nhiệm về an toàn bay.
Với mỗi chuyến bay có khoảng 200 hành khách, thậm chí nhiều hành khách chưa từng di chuyển bằng máy bay, việc đảm bảo an toàn bay trong khoang hành khách thuộc trách nhiệm của đoàn tiếp viên.
Việc đảm bảo an toàn bay trong khoang hành khách bắt đầu bằng việc đảm bảo hành lý của hành khách được đặt trong đúng vị trí, quy cách để không gây nguy hiểm cho người ngồi dưới trong quá trình cất hạ cánh.
Tiếp viên cũng sẽ thực hiện hướng dẫn an toàn bay cho hành khách trước mỗi chuyến bay, bao gồm hướng dẫn sử dụng dây an toàn, áo phao, mặt nạ dưỡng khí cùng những quy tắc an toàn bay như không hút thuốc, không mở cửa thoát hiểm khi không phải trường hợp khẩn cấp …
Một nhiệm vụ quan trọng khác của đoàn tiếp viên là kiềm chế những hành khách có hành vi gây rối, say xỉn và có biện pháp kiềm tỏa những hành khách này để đảm bảo an toàn bay.
Trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp, tiếp viên cũng là những người nhanh chóng hướng dẫn và giúp đỡ hành khách thoát hiểm trong 90 giây. Họ là những người rời máy bay cuối cùng khi đảm bảo hành khách đã thoát hiểm hết dù tình huống nguy hiểm đến đâu.
Chuyến bay kết thúc không đồng nghĩa công việc của các tiếp viên đã hoàn thành. Họ chỉ có 15 phút để dọn dẹp lại máy bay, thu dọn toàn bộ rác mà hành khách bỏ lại. Nếu máy bay quá nhiều chi tiết bị bày bừa, cần dọn dẹp thì khả năng chậm chuyến tiếp theo là rất cao.
Thợ máy, không lưu là hậu cần dưới mặt đất
Đóng góp vào mỗi chuyến bay an toàn còn có công sức không nhỏ của những kỹ thuật viên bảo dưỡng, kiểm tra máy bay. Đây là những người đảm bảo mọi chi tiết trên máy bay luôn ở trong tình trạng an toàn, từ động cơ, thân vỏ cho tới hệ thống lốp.
Kỹ thuật là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho tàu bay cũng như đảm bảo tỷ lệ bay đúng giờ (OTP). Kỹ thuật chỉ cần chậm một chút thì sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Mọi hỏng hóc xảy ra thì cần phải xác định chính xác để sửa chữa nhanh nhất có thể.
Đảm bảo cho cỗ máy gần 10 tấn bay trơn chu trên bầu trời là nhiệm vụ không hề đơn giản. Việc kiểm tra máy bay được thợ máy thực hiện theo quy trình chuẩn toàn cầu với sai số gần như bằng 0.
Kỹ thuật viên mới vào nghề sẽ bắt đầu công việc là một anh thợ máy, đi đo lốp, chèn máy bay, thay nhớt, tra dầu mỡ. Qua quá trình làm việc, nhận thêm chứng chỉ, kỹ thuật viên mới có thể đảm nhận những hỏng hóc lớn.
Những thợ máy có chứng chỉ cao sẽ là người quyền quyết định cho máy bay tham gia khai thác hay không, có trọng trách cực kỳ lớn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.
Đó là những gì diễn ra sau “cánh gà”. Trước khi chuyến bay cất cánh, những người trực tiếp giúp đỡ, giải đáp thắc mắc của hành khách chính là nhân viên dịch vụ mặt đất.
Ngoài ra, nhân viên dịch vụ mặt đất còn phải đảm bảo hành lý xách tay và ký gửi của hành khách có cân nặng đúng theo quy định. Đảm bảo trọng tải chuẩn cho chiếc máy bay để cất hạ cánh an toàn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng bởi hàng không là ngành có tính chính xác cao.
Cất hạ cánh an toàn còn có sự góp công không nhỏ của điều phối viên không lưu. Với 54 chuyến bay cất hạ cánh mỗi giờ, không lưu tại các sân bay lớn của Việt Nam phải làm việc chuẩn xác để máy bay tiếp cận và rời đường cất hạ cánh một cách khoa học và an toàn.