Thư viện Tin tức – Sự kiện Liên hệ Login
/
Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe tim mạch với phi công Việt Nam
Ngày 21.03.2022
Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe tim mạch với phi công Việt Nam

Một trong những điều kiện cần phải có đối với các phi công là sức khỏe. Các tiêu chuẩn này được quy định trong thông tư do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải ban hành năm 2012.

Hiện nay, trở thành phi công vẫn là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ với cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, mức lương đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Để có bằng lái phi công chuyên nghiệp, học viên cần được đào tạo trong vòng 18 tháng. Trong đó, thời gian học lý thuyết và thực hành trên buồng lái mô phỏng khoảng 7 tháng. Sau đó, các học viên sẽ chuyển tiếp sang các trường thực hành ở Úc, Mỹ, New Zealand.

{keywords}

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên (trái) tham gia đào tạo các phi công Việt Nam.

Khi được các hãng hàng không tuyển chọn, phi công sẽ phải học chuyển loại khoảng 2 tháng, huấn luyện thực hành trên máy bay từ 4 tới 6 tháng.

Cộng với thời gian nghỉ lễ, chờ huấn luyện, trung bình, mỗi người mất khoảng 2,5 năm cho cả quá trình học tập.

Chi phí để đào tạo một phi công khoảng 1,8 tỷ đồng (chưa tính tiền sinh hoạt). Nhưng trên thực tế, trung bình học phí rơi vào khoảng 2 tỷ đồng do có những kỹ năng học viên phải học lại, bay thêm giờ.

Năm 2012, Bộ Y tế – Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên hàng không và điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện việc khám sức khỏe cho nhân viên hàng không.

Theo đó, nhân viên hàng không được chia thành ba nhóm tiêu chuẩn sức khỏe. Trong đó, nhóm một có quy định khắt khe nhất gồm lái tàu bay thương mại; lái tàu bay thuộc tổ lái nhiều thành viên; lái tàu bay vận tải hàng không và người dự tuyển vào học làm các công việc trên.

Để trở thành phi công trong các mảng trên, học viên cần phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về thể lực; chức năng sinh lý, bệnh, tật.

Về thể lực, phi công nam cần cao từ 1m65, nặng 52 kg trở lên; nữ cao 1m58, nặng 50 kg trở lên. Chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18 tới 30. Ngoài ra, còn có các quy định chi tiết về vòng ngực, lực bóp tay, lực kéo thân, huyết áp.

Về các chức năng sinh lý, bệnh, tật, phi công phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sức khỏe liên quan tới tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể:

1. Hệ thần kinh – tâm thần

Bạn sẽ bị loại ngay từ vòng tuyển chọn nếu bị các hội chứng tâm thần, rối loạn tâm thần, bệnh nhân cách, nghiện rượu, dùng chất kích thích, động kinh, chấn thương sọ não, cột sống, bệnh mạch máu não…

2. Hệ tim mạch

Ngay từ khi đăng ký đào tạo, học viên phải có mạch, huyết áp ổn định, không có bất thường nào trong tim mạch ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay.

Các trường hợp bị loại ngay nếu mắc bệnh lý ở động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, xơ vữa động mạch, bệnh van tim, từng phẫu thuật tim, ngất tim không rõ nguyên nhân…

{keywords}

Phi công là những người chịu trách nhiệm chính cho sinh mệnh của hành khách. Ảnh: Spirit.vietnamairlines

3. Bệnh máu và cơ quan tạo máu

Bạn sẽ không thể trở thành phi công nếu mắc các bệnh ở hệ thống bạch huyết, tăng bạch cầu, hồng cầu hình liềm, lách to, máu không đông…

4. Hệ hô hấp

Học viên không được có bất thường ở hệ hô hấp, không mắc các bệnh lý như lao, viêm phế quản mạn tính ảnh hưởng đến hô hấp, hen phế quản… hoặc từng phẫu thuật lớn ở ngực ảnh hưởng đến hô hấp.

5. Hệ tai mũi họng

Bạn cần có chức năng tai, mũi, xoang và họng tốt, không có bệnh lý, chấn thương hay do phẫu thuật ảnh hưởng đến lao động bay và an toàn bay.

Ngoài ra, phi công phải nghe được lời nói thường cách xa 5m, nói thầm 0,5m. Quy định còn ghi rõ mỗi tai nghe được âm thanh ở tần số như thế nào.

Phi công không đạt tiêu chuẩn khi bị các bệnh về răng như răng sâu trên 6 cái đang đau hoặc chưa hàn; mất răng, mất sức nhai trên 19%; viêm tủy từ 3 răng trở lên…

{keywords}

Sáu tháng một lần, các phi công phải tham gia huấn luyện trong buồng lái giả định. Ảnh: Spirit.vietnamairlines

6. Hệ cơ, xương, khớp

Yếu tố thể lực của phi công rất quan trọng đòi hỏi họ phải có cơ xương khớp cử động bình thường. Những người bị dị tật bẩm sinh, dị dạng do phẫu thuật, khuyết, dính ngón tay chân sẽ bị loại.

7. Thị giác

Để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe, người lái tàu bay phải có thị lực mỗi mắt trên 6/10 (không đeo kính) và 10/10 (có đeo kính) hoặc một mắt 7/10, mắt còn lại 5/10 (không đeo kính) hay khi nhìn cả hai mắt (không đeo kính), thị lực không thấp hơn 6/10.

Ngoài ra, các phi công không được mắc các bệnh mạn tính như viêm loét dạ dày, tiểu đường; bệnh truyền nhiễm, lây qua đường tình dục; bệnh da như viêm da cơ địa, lupus ban đỏ…

Nguồn: Báo Vietnamnet

Tin tức khác

+84 905 325 860 / +84 909 345 860

vft@bayviet.com.vn

Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM

Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Copyright © 2024 Viet Flight Training
Designed by Rocket Digital