Thư viện Tin tức – Sự kiện Liên hệ Login
/
Trong và ngoài “siêu sân bay” Long Thành có những gì?
Ngày 12.09.2022
Trong và ngoài “siêu sân bay” Long Thành có những gì?
Tiến độ đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 đang được thực hiện một cách khẩn trương.

Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng không, dự án “siêu sân bay” Long Thành đang tăng tốc để trở thành “trái tim” kết nối của cả đường bộ, đường sắt tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trong một lần kiểm tra tiến độ thi công sân bay Long Thành

Thần tốc thi công

Những ngày cuối tháng 8, không khí thi công trên đại công trường dự án sân bay Long Thành vẫn rất khẩn trương. Những tháng qua, khu vực miền Nam mưa nhiều khiến việc san lấp nền có phần ảnh hưởng.

Tuy vậy, lường trước tình hình, liên danh nhà thầu trước đó đã tăng cường và san lấp hoàn chỉnh khu vực nhà ga để bàn giao đơn vị thi công cọc móng. Các khu vực khác đã chuẩn bị thiết bị, nhân lực, đến mùa khô sẽ thần tốc thi công.

Hạng mục đóng móng cọc nhà ga do liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội CTCP – Công ty Cổ phần VIMECO – Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp – Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An – Công ty Cổ phần FECON thi công từ cuối tháng 3/2022.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Ban điều hành liên danh các nhà thầu cho biết, theo hợp đồng phải đến cuối tháng 10 mới xong.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, chủ đầu tư, các nhà thầu đã tập trung tối đa thiết bị, nhân lực, biện pháp thi công và đã rút ngắn thời gian. Đến nay, chỉ còn 39 cọc chưa đóng và sẽ hoàn thành toàn bộ trước tháng 9, rút ngắn 50 ngày so với hợp đồng.

“Khi thi công đại trà, nhà thầu đã dựng 2 trạm bê tông gần công trường nên đã chủ động được nguồn nguyên vật liệu, huy động 18 dây chuyền đóng cọc cùng một lúc nên đã rút ngắn được thời gian”, ông Toàn nói.

Ông Dương Quang Điện, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, tất cả thành viên của Ban quản lý dự án, các liên danh nhà thầu thi công và công nhân trên công trường luôn đặt mục tiêu công việc lên trên hết nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.

Thiết kế sân bay áp dụng công nghệ hiện đại

Trên công trường rất khẩn trương, nhộn nhịp, phía sau công trường, các bộ phận vẫn rốt ráo triển khai các công đoạn thiết kế kỹ thuật để khởi công thân nhà ga trong quí IV/2022.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), kiến trúc nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành lấy hình tượng hoa sen – đặc trưng cho văn hóa Việt Nam làm ý tưởng chính, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.

Ý tưởng thiết kế nội thất khu vực sảnh làm thủ tục áp dụng các vật liệu và màu sắc hiện đại nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mái lấy sáng với hình ảnh hoa sen được thiết kế tinh tế và thẩm mỹ cao nhằm thể hiện niềm tự hào và là biểu tượng của văn hóa đất nước.

Hành khách đi vào nhà ga để làm thủ tục hàng không thông qua cầu cạn ở lầu 3. Tổng cộng có 8 đảo với 224 quầy làm thủ tục.

Sau khi làm thủ tục, hành khách di chuyển đến vực khu xuất cảnh và kiểm tra an ninh, sau đó đi xuống lầu 2, đi đến khu vực thương mại trung tâm. Từ khu vực thương mại này, hành khách đi đến các phòng chờ để lên máy bay.

Khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực kiểm soát an ninh, khu vực xuất nhập cảnh được lắp đặt các thiết bị tự động, áp dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt, công nghệ sinh trắc học, đọc hộ chiếu điện tử và được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của công dân.

Hệ thống xử lý hành lý được thiết kế đồng bộ, kết nối với hệ thống soi chiếu hành lý, hệ thống cơ sở dữ liệu khai thác nhà ga. Tất cả đều áp dụng công nghệ hiện đại đang sử dụng tại các sân bay lớn trên thế giới nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cho hành khách.

Loạt dự án kết nối với sân bay Long Thành

Tiến độ đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 đang được thực hiện một cách khẩn trương.

Cùng với đó, Bộ GTVT và các địa phương đang thực hiện các tuyến giao thông kết nối. Trong đó, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2022 sẽ là hướng kết nối tốt từ sân bay đến thủ phủ resort Mũi Né và các điểm du lịch khác ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang tăng tốc GPMB cho tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu triển khai xây dựng giữa năm 2023.

Đồng Nai cũng đang tích cực công tác GPMB để bàn giao cho ACV triển khai thi công tuyến đường số 1, số 2 – là hai tuyến chính kết nối trực tiếp vào sân bay trong giai đoạn 1.

Tuyến số 1 số 1 dài 3,8km kết nối trục chính đầu phía Tây cảng hàng không với QL51. Tuyến số 2 dài 3,5km kết nối tuyến số 1 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Các giai đoạn sau còn có tuyến số 3 dài 8,5km kết nối trục chính đầu phía Đông với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Tuyến số 4 dài 3km kết nối tuyến số 3 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuyến số 1B dài 6,5km kết nối trực tiếp phía Tây cảng hàng không với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cũng trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được thiết kế một đường trục chính chạy qua cảng với chiều dài 8,3km và chiều rộng 120m, bố trí hai chiều ra vào sân bay với 6 làn xe theo phương thức quay đầu. Hệ thống cầu cạn trước nhà ga hành khách cao khoảng 16m, với 8 làn xe.

Về lâu dài, sẽ có một tuyến đường sắt nhẹ chạy ngang giữa 4 nhà ga hành khách từ sân bay Long Thành đến khu đô thị Thủ Thiêm, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Các tuyến đường sắt này giúp kết nối sân bay quốc tế Long Thành với TP.HCM một cách hiện đại, không thua gì các sân bay quốc tế trên thế giới.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lên phương án kêu gọi đầu tư mở rộng lên 10 làn xe. Tuyến Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch chuẩn bị khởi công, nối TP Thủ Đức với Nhơn Trạch, kết nối đến sân bay Long Thành. Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng được khởi công lại vào quý IV để thuận tiện cho phương tiện từ miền Tây đến sân bay.

Nguồn: Báo Giao Thông

Tin tức khác
Khám phá máy bay ‘Made in Vietnam’ tại Triển lãm Quốc phòng 2024

Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.

[VTV] Tăng cường chuyến bay phục vụ Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %

Aviation News 16/12: Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines

Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam diễn tập chữa cháy, di dời máy bay gặp nạn

Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển

+84 905 325 860 / +84 909 345 860

vft@bayviet.com.vn

Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM

Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Copyright © 2016 Viet Flight Training
Designed by Rocket Digital