Thư viện Tin tức – Sự kiện Liên hệ Login
/
Hàng không thế giới đối mặt nguy cơ thiếu máy bay mới
Ngày 27.10.2022
Hàng không thế giới đối mặt nguy cơ thiếu máy bay mới

Bên cạnh thiếu hụt phi công, phụ tùng thay thế, các hãng hàng không lại đối mặt tình trạng thiếu máy bay Boeing, Airbus mới sau dịch.

Gần hai năm qua, nhu cầu máy bay mới giảm mạnh. Hành khách phải ở nhà và các lệnh hạn chế đi lại đã khiến các hãng hàng không huỷ hay lùi lịch giao các máy bay mới. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch, đi lại thời gian gần đây sau khi dịch bệnh được kiểm soát đã khiến các hãng đang phải chạy đua để đáp ứng kịp nhu cầu.

Cả Boeing và Airbus đã chậm giao hàng vài tháng với các máy bay thân hẹp thường được sử dụng cho các chuyến bay nội địa Mỹ hoặc các chặng bay ngắn khác. Điều này làm hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng trở lại của các hãng, theo lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Boeing, Airbus chậm đơn hàng bởi thiếu linh kiện hoặc động cơ cho máy bay mới. “Tình trạng này khiến chúng tôi thực sự khó lập kế hoạch bay”, Chủ tịch Southwest Airlines Gary Kelly cho biết tại một sự kiện của ngành hàng không vũ trụ ở Washington vào tháng trước.

Người phát ngôn của Boeing cho biết hãng tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đáp ứng cam kết với khách hàng. Ngoài các vấn đề về nguồn cung, Boeing đang đối mặt những thách thức về quy định đối với hai phiên bản mới nhất của dòng máy bay 737 MAX.

Cả hai phiên bản đều đứng trước tương lai không chắc chắn nếu Boeing không có được sự chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào cuối năm nay. Luật liên bang hiện hành sẽ yêu cầu Boeing đại tu toàn bộ buồng lái 737 MAX nếu không được FAA phê duyệt.

Một máy bay A320 đang được lắp ráp trong nhà máy của Airbus tại Hamburg. Ảnh: Zuma Press

Một máy bay A320 đang được lắp ráp trong nhà máy của Airbus tại Hamburg. Ảnh: Zuma Press

Đối thủ của Boeing – Airbus từ chối bình luận. Tuy nhiên, nhà sản xuất này đề cập đến các tuyên bố gần đây của các giám đốc điều hành rằng họ đang làm việc để vượt qua những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Airbus đã lưu ý kỳ vọng đạt được các mục tiêu giao hàng trong năm nay là một thách thức.

Sự chậm trễ giao hàng của Boeing ảnh hưởng nghiêm trọng tới United Airlines Holdings. Hãng hàng không có trụ sở tại Chicago dự kiến có 53 chiếc Boeing một lối đi mới trong năm nay để hỗ trợ kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, họ mới nhận được 7 chiếc 737 MAX mới từ tháng 8.

Sự thiếu hụt máy bay thân hẹp đã khiến United giảm tần suất trên một số tuyến nội địa, đồng thời góp phần khiến United rút khỏi một số thị trường nhỏ hơn. Theo nguồn tin thân cận của WSJ, Giám đốc điều hành Scott Kirby của United Airlines đã bày tỏ sự thất vọng với các giám đốc điều hành của Boeing qua một cuộc gọi vào mùa hè.

Tương tự, CEO American Airlines Robert Isom cũng gọi điện cho các lãnh đạo Boeing để nói về sự thất vọng khi khoảng 20 đơn hàng 737 Max bị trì hoãn giao tới năm sau.

Steven Udvar-Házy, Chủ tịch Air Lease dự đoán nhu cầu với máy bay phản lực một lối đi sẽ vượt quá nguồn cung của các nhà sản xuất máy bay trong ít nhất ba năm tới. Air Lease – đơn vị chuyên cho các hãng hàng không trên thế giới thuê máy bay – đang là một khách hàng lớn của cả Airbus và Boeing. Udvar-Házy cho rằng hai nhà sản xuất này gần như không đạt được những gì họ đã dự đoán 12 tháng trước.

Hãng hàng không Aegean của Hy Lạp cũng cho biết đang lên kế hoạch thận trọng cho mạng bay năm tới với dự đoán chậm nhận máy bay Airbus mới. CEO Eftichios Vassilakis của hãng cố gắng tránh một số vấn đề mà họ gặp phải trong năm nay sau khi chỉ nhận được một nửa trong số 8 máy bay hy vọng kịp bổ sung cho mùa du lịch hè bận rộn.

Airbus vẫn đang phải để các máy bay lắp ráp xong nhưng chưa có động cơ tại nhà máy. Vào cuối tháng 6, công ty này có gần 30 chiếc nằm chờ động cơ. Đến hôm 23/9, Airbus thông tin số lượng máy bay chưa có động cơ đã giảm xuống dưới 10.

Tháng trước, CEO Airbus Guillaume Faury cho biết dự kiến đối mặt với những hạn chế về nguồn cung vào năm 2023. “Sẽ lại là một năm khó khăn”, ông nói.

Nguồn: Báo VNExpress

Tin tức khác
Khám phá máy bay ‘Made in Vietnam’ tại Triển lãm Quốc phòng 2024

Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.

[VTV] Tăng cường chuyến bay phục vụ Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %

Aviation News 16/12: Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines

Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam diễn tập chữa cháy, di dời máy bay gặp nạn

Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển

+84 905 325 860 / +84 909 345 860

vft@bayviet.com.vn

Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM

Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Copyright © 2016 Viet Flight Training
Designed by Rocket Digital