Ngày 15-3-2022, Việt Nam chính thức cho phép mở lại tất cả thị trường quốc tế trước đây đã khai thác, bình thường như trước khi có dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” cho lĩnh vực Hàng không và Du lịch phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý và chuyên gia, dù có những bước phục hồi song đến nay còn chậm và chưa hiệu quả. Để hút được khách quốc tế, cần sớm gỡ “nút thắt” về chính sách visa.
Thị trường nội địa đã phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường quốc tế còn chưa như kỳ vọng. Ảnh: Phan Công
Không như kỳ vọng
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Ngay khi được Chính phủ cho phép, Cục Hàng không Việt Nam đã tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không Việt tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục. Về phía các hãng cũng chủ động chuẩn bị các điều kiện để mở lại các đường bay quốc tế thường lệ đến các thị trường truyền thống ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á. Cùng với đó, đẩy mạnh việc khai thác các thị trường mới, như Vietjet Air, Vietnam Airlines khai thác các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc đến Mumbai, Delhi (Ấn Độ); Vietjet Air khai thác đường bay Cam Ranh – Almaty (Kazakhstan)…
Nhìn lại một năm “mở cửa lại bầu trời”, trong khi thị trường nội địa hồi phục hoàn toàn mức trước dịch (năm 2019) thì tại thị trường quốc tế (vốn đem lại hơn 50% doanh thu cho các hãng hàng không), tốc độ hồi phục diễn ra chậm, dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế với hành khách nhập cảnh từ ngày 15-3-2022 và khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5-2022.
Đưa ra những con số so sánh về sự phục hồi chậm, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành chỉ rõ, năm 2022, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 28% so với năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2023 đạt 65% so với năm 2019. Trong đó, các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc đạt 75%, Nhật Bản đạt 80%, còn Trung Quốc gần như bằng 0. Trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan gần như phục hồi 100% so với 2019. Còn với thị trường khách châu Âu, mức phục hồi tùy từng nước, những nước Việt Nam có đường bay thẳng như Đức, Pháp, Anh…, tỷ lệ phục hồi đạt 70%; nhưng những nước không có đường bay thẳng như Tây Ban Nha, Ý… mới phục hồi khoảng 30%.
Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, sau một năm, các chỉ số phục hồi đã không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30%.
Cần sớm nới lỏng và mở rộng chính sách visa
Trong tháng 1-2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 871.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng trước và cao gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước. Tiếp đó, trong tháng 2-2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 932.969 lượt, tăng 7,1% so với tháng 1-2023. Có được sự tăng trưởng này là do Việt Nam đã mở cửa du lịch; các đường bay quốc tế đang dần được khôi phục trở lại.
Việc nới lỏng chính sách visa sẽ giúp hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Phan Công
[/vc_column_text][vc_column_text]Việc Trung Quốc (thị trường khách được xem là lớn nhất) chính thức đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn kể từ ngày 15-3-2023 cũng đang được kỳ vọng để hai ngành Hàng không và Du lịch hồi phục, phát triển mạnh mẽ.
Cơ hội là có, song theo các chuyên gia và đại diện các hãng hàng không, mấu chốt vẫn là phải gỡ được “nút thắt” về visa.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, ông nhận ra rằng cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á nhưng du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ có visa. Một số nước trong ASEAN khi áp dụng miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, điển hình như Thái Lan.
“Với kinh nghiệm trong ngành Hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng theo mức độ trung bình 5 – 10%. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore”, ông Trịnh Ngọc Thành kiến nghị.
Đồng quan điểm phải gỡ “nút thắt” về visa, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air đánh giá, thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam hiện quá chậm. Đây là điều cần được cải tiến bằng cách tự động hóa. Muốn phát triển hàng không, du lịch, cần phải giải quyết vấn đề visa, đặc biệt là nới rộng thời hạn visa.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang