Reuters đưa tin, tính đến đầu tháng 5, hàng loạt hãng bay từ Air India (Ấn Độ) cho đến Ryanair (Ireland) đã đặt mua tổng cộng 700 máy bay chở khách mới. Hôm 11-5, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Turkish Airlines, bất ngờ thông báo trong tháng 6 tới, hãng sẽ đặt mua 600 máy bay mới. Đây là một trong bốn đơn hàng mua máy bay khổng lồ diễn ra chỉ trong vài tháng và sẽ là đơn hàng mua máy bay với số lượng kỷ lục của một hãng hàng không, vượt qua đơn hàng mua 470 máy bay Airbus và Boeing của Air India được thông báo trong tháng 2.
Tháng trước, Turkish Airlines cũng đã công bố kế hoạch chiến lược 10 năm, gồm mục tiêu phục vụ 170 triệu lượt hành khách vào năm 2033, so với hơn 85 triệu vào năm 2023. “Turkish Airlines đang mong muốn xây dựng một hãng hàng không siêu kết nối từ mọi nơi ở châu Âu đến mọi nơi ở châu Á và châu Phi”, Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu của hãng tư vấn hàng không Ascend by Cirium (Anh), nói. Động thái của Turkish Airlines sẽ đốt nóng thêm cuộc cạnh tranh kết nối giao thông hàng không giữa trung tâm hàng không Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với các trung tâm đối thủ ở châu Âu và Trung Đông.
Tuy nhiên, thông báo trên đã khiến nhiều người trong ngành ngạc nhiên. Nhà phân tích ngành công nghiệp hàng không Mỹ Richard Aboulafia lưu ý thông báo của Turkish Airlines đưa ra vài ngày trước cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5 của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo các dự án hàng không chiến lược bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công và máy bay không người lái.
“Và giờ đây, kế hoạch mua máy bay chở khách mới cũng nhằm biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm hàng không của thế giới”, Aboulafia, CEO của hãng tư vấn Aerodynamic Advisory, nhận xét.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies cảnh báo, một đơn hàng lớn như vậy cũng có thể bị chi phối bởi các chủ đề chính trị rộng lớn hơn, chẳng hạn như cuộc thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối ý định Thụy Điển gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Dù vậy, giới phân tích đánh giá thông báo của Turkish Airlines đánh dấu tham vọng mạnh mẽ khi các hãng hàng không sống sót sau đại dịch Covid-19 lao vào cuộc chiến giành thị phần mà không cần chờ chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định. Thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Tổng thống Tayyip Erdogan khai trương sân bay mới trị giá 12 tỉ đô la vào năm 2018, được xem là vị trí địa lý hiệu quả để thách thức các trung tâm hàng không lớn ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Doha (Qatar). Ahmet Bolat, Chủ tịch Turkish Airlines, cho biết công ty ông sẽ đặt hàng 200 máy bay chở khách đường dài và 400 máy bay thân hẹp.
Trước đó, hôm 9-5, hãng bay giá rẻ lớn nhất châu Âu, Ryanair thông báo đặt mua 300 máy bay 737 Max 10 của Boeing, giao từ 2027 đến 2033. Trị giá đơn hàng này ước tính lên tới 40 tỉ đô la. Michael O’Leary, CEO của Ryanair, thừa nhận công ty ông chấp nhận trả giá cao hơn trước đây để đảm bảo nguồn cung máy bay thân hẹp đang cạn kiệt vào cuối thập niên này.
“Các hãng hàng không đang lo lắng về khả năng lực cung cấp máy bay mới trong tương lai, vì vậy, họ đã sốt sắng đặt hàng sớm”, Rob Morris của Ascend by Cirium (Anh), nói.
Một nguồn tin cấp cao trong ngành cảnh báo rủi ro hiện nay là nhiều hãng bay đang ồ ạt mua máy bay để cố gắng phục vụ cùng một lượng hành khách. Khi công suất của hãng dồi dào hơn so với nhu cầu, điều đó sẽ làm suy giảm lợi nhuận của họ. Kết quả là không hãng nào chiến thắng trong cuộc chạy đua này.
Không chỉ là điểm đến du lịch lớn thứ sáu trên thế giới trước Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ còn cạnh tranh với các hãng hàng không lớn ở vùng Vịnh Ba Tư như Emirates, Qatar Airways và Etihad về lưu lượng hàng khách quá cảnh. Hồi tháng 3, Riyadh Air, hãng bay thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia (PIF), gia nhập cuộc đua siêu kết nối bằng đơn đặt hàng mua tới 72 máy bay thân rộng 787-9 Dreamliner của Boeing. Đơn hàng cho thấy tham vọng trở thành trung tâm hàng không toàn cầu của Saudi Arabia.
Các đơn hàng mua máy bay mới cũng là canh bạc với lạm phát với các điều khoản điều chỉnh giá, có khả năng làm tăng thêm hàng tỉ đô la vào giá trị của một đơn đặt hàng lớn vào thời điểm máy bay được giao từ cuối thập niên này.
Các chuyên gia cho biết, chỉ những hãng hàng không có khả năng kiểm soát chặt chẽ chi phí hoặc có sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ mới có thể chịu đựng rủi ro như vậy.
Cơn bùng nổ mua máy bay mới diễn ra vào thời điểm các hãng hàng không đối mặt với áp lực cắt giảm khí thải ngày càng tăng. Việc nhiều hãng đặt mua máy bay sớm có nguy cơ chuyển hướng sự chú ý khỏi thế hệ máy bay thân hẹp mới, phát thải carbon ít hơn dự kiến sẽ ra mắt vào từ giữa đến cuối thập niên 2030.
Tuy nhiên, Boeing và Airbus cho biết những chiếc máy bay mà họ đang bán đã “sạch” hơn đáng kể so với thế hệ trước và có thể tối đa hóa lợi ích từ các loại nhiên liệu mới, giúp ngành hàng không đạt mục tiêu phát thải zero ròng vào năm 2050.
Trong một diễn tiến mới nhất, ngày 12-5, tập đoàn Boeing chính thức khánh thành văn phòng thường trực tại thủ đô Hà Nội, đẩy mạnh cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam.
“Mối quan hệ giữa tập đoàn Boeing và Việt Nam đang lớn mạnh từng ngày, không ngừng hợp tác để phát triển năng lực hàng không vũ trụ của đất nước. Văn phòng mới này sẽ giúp Boeing phục vụ khách hàng bản địa cũng như các bên liên quan tốt hơn, đồng thời tạo dựng nền tảng vững mạnh cho sự tăng trưởng trong tương lai”, ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam chia sẻ trong thông cáo báo chí.
Văn phòng mới của Boeing đặt tại một cao ốc văn phòng có chứng chỉ LEED, được xây dựng nhằm đạt hiệu năng vận hành thân thiện với môi trường và có lộ trình duy trì mức phát thải ròng bằng 0 trong tương lai, thông qua các nỗ lực tiết kiệm điện và nước tiêu thụ.
Boeing đã và đang hợp tác chặt chẽ với ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam suốt gần 30 năm nay, tập trung cộng tác và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất, dịch vụ kỹ thuật, an toàn hàng không, bền vững, cũng như nghiên cứu và công nghệ.