Tiềm năng sử dụng nhiên liệu sinh học từ mỡ động vật cho ngành hàng không
Cần bao nhiêu mỡ lợn để cung cấp nhiên liệu cho một chuyến bay từ New York đến Paris? Theo ước tính, là khoảng 8.800 con lợn.
Sử dụng mỡ động vật để sản xuất nhiên liệu xanh cho ngành hàng không đã được coi là một giải pháp tiềm năng để hạn chế lượng khí thải carbon. Tại Liên minh châu Âu (EU), lượng mỡ động vật được sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học đã tăng hơn 40 lần kể từ năm 2006. Năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch thay thế tất cả nhiên liệu máy bay bằng các nhiên liệu bền vững vào năm 2050. Vào tháng 4, các quan chức Úc cho biết họ sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học phản lực quy mô lớn ở Queensland.
Tập đoàn Giao thông và môi trường châu Âu (T&E) đã ủy quyền cho Cerulogy tiến hành một nghiên cứu về việc sử dụng mỡ động vật làm nguồn dầu diesel sinh học. Theo kết quả, đã có “áp lực đáng kể” đối với việc cung cấp mỡ động vật để làm dầu sinh học. Vì thế, nguồn dầu diesel sinh học đã “tăng gấp 40 lần kể từ năm 2006”. Nghiên cứu cũng cho biết nhu cầu về dầu diesel sinh học từ mỡ động vật sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030 so với con số của năm 2021.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu sinh học cho ngành hàng không được sản xuất từ mỡ động vật và dầu thực vật có thể tạo ra những vấn đề mới.
Nghiên cứu này cho biết có thể không có đủ động vật để đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu sinh học, và việc giết mổ nhiều động vật hơn không phải là cách làm đúng đắn.
Mỡ động vật từ lâu đã được sử dụng để sản xuất thức ăn cho vật nuôi, xà phòng, nến và nguyên liệu đốt cho nồi hơi. Điều này có nghĩa là nhu cầu tăng vọt từ ngành hàng không có thể lấn át các nhà sản xuất này, buộc họ phải chuyển sang các lựa chọn thay thế như dầu cọ, điều này sẽ dẫn đến tăng lượng khí thải carbon ròng trên toàn cầu.
Tác giả của nghiên cứu, Chris Malins, viết: “Trong trường hợp xấu nhất, việc loại bỏ mỡ động vật ra khỏi các mục đích sử dụng hiện có có thể gây ra sự gia tăng lớn lượng khí thải ròng thay vì giảm bất kỳ sự giảm thiểu nào”.
Về lý thuyết, dầu cọ tạo ra ít khí thải làm thay đổi khí hậu hơn so với nhiên liệu truyền thống. Nhưng để sản xuất ra nó, những người nông dân phải cày xới các khu vực rừng nhiệt đới và đầm lầy, làm giảm môi trường sống của các lời vật có nguy cơ tuyệt chủng và làm suy yếu khả năng hấp thụ khí nhà kính hiện có của Trái đất.
Song giết mổ nhiều động vật hơn dường như cũng không phải là một giải pháp thay thế khả thi.
Nghiên cứu cho biết hơn 70 tỉ con lợn, bò bị giết mỗi năm, chủ yếu để cung cấp thịt cho con người. Nhu cầu này khuyến khích các nhà sản xuất tăng mạnh sản lượng, tạo ra nhiều khí mê tan hơn, một loại khí có thể gây tác động lớn gấp 34 lần so với carbon dioxide trong khoảng thời gian 100 năm. Theo Liên Hợp Quốc, sản xuất thịt đứng sau hơn một nửa lượng khí nhà kính do nông nghiệp gây ra từ năm 2018 – 2020 .
Theo nghiên cứu của Malins, trích dẫn từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sự cạnh tranh về nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất nhiên liệu bền vững sẽ đạt mức cao trong vòng 5 năm tới. Báo cáo của IEA cho biết nhu cầu sẽ làm cạn kiệt nguồn cung dầu ăn và mỡ động vật đã qua sử dụng trong khoảng thời gian đó.
Malins cho biết tình thế tiến thoái lưỡng nan ngày càng tăng giữa việc sử dụng mỡ động vật cho các mục đích hiện có và sự dụng chúng như một loại nhiên liệu xanh đặt ra câu hỏi về lợi ích khí hậu của nhiên liệu sinh học.
Nguồn: Một Thế Giới Online