Chuyển đổi sân bay quân sự, xây mới sân bay ở vùng sâu, vùng xa
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng về GTVT là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Bám sát định hướng, quan điểm của Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng GTVT, trong đó coi phát triển hạ tầng hàng không là một trong những trọng tâm, yêu cầu bức thiết, giúp giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng quá tải ở một số cảng hàng không. Sau một thời gian dài rà soát, bổ sung, điều chỉnh…, ngày 07/6/2023, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg.
Về kết cấu hạ tầng, bên cạnh ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng HKQT tế Nội Bài) và vùng TP. Hồ Chí Minh (Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành), quy hoạch xác định ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo…
Một điểm mới khác tại Quy hoạch là việc bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không, gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Ngoài ra, hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại Cảng Hàng không Chu Lai.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2030, hai sân bay quân sự là Thành Sơn và Biên Hòa sẽ được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng. Cùng với đó, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không gồm: Hà Giang (huyện Bắc Quang), Tuyên Quang (huyện Hàm Yên), Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Thuận (đảo Phú Quý), Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong, huyện Vạn Ninh), Đắk Nông (huyện Đắk Glong), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu)… báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.
Một điểm mới về kêu gọi đầu tư đối với các cảng hàng không mới là huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Phương án huy động vốn theo hình thức giao UBND các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Xác lập vị trí quan trọng của vận tải hàng không
Tại Việt Nam, trong số 22 cảng hàng không đang khai thác thì có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và 1 cảng hàng không kêu gọi, huy động xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP là Cảng HKQT Vân Đồn (Quảng Ninh).
Giai đoạn 2011 – 2019/2020, tốc độ phát triển của ngành Hàng không Việt Nam trung bình từ 16 – 18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới, tuy nhiên điều này cũng gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT), giai đoạn 2011 – 2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm, trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước Covid-19 (năm 2019), sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm, vượt khoảng 20 triệu lượt khách so với công suất các cảng hàng không.
“Ngay sau khi Quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT tiếp tục triển khai các quy hoạch chi tiết, sắp xếp không gian cho cảng hàng không, làm cơ sở để huy động nguồn lực đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ GTVT cũng đồng thời lập hơn 10 quy hoạch chi tiết các cảng hàng không ở các địa phương và đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chi tiết làm cơ sở kêu gọi đầu tư”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ và thông tin, quá trình làm việc với các địa phương, Bộ GTVT cũng định hướng thêm một quy hoạch, đó là: Đối với các cảng hàng không có quy mô công suất trên 20 – 30 triệu hành khách/năm thì nghiên cứu các tuyến đường sắt kết nối.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư, khi dự báo thị trường vận tải hàng không, cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT thấy rằng, trên thế giới, đối với các nước phát triển, thị trường hàng không hàng năm gấp 2, 3 đến 4 lần quy mô dân số. Có nghĩa, nếu dân số là 100 triệu người thì lượng khách đi lại khoảng 300 – 400 triệu lượt. “Việt Nam hiện nay mới đạt sản lượng vận chuyển hơn 100 triệu khách/năm, do đó tiềm năng thị trường vận tải hàng không còn rất lớn. Đây là cơ sở để có thể huy động tiềm lực phát triển”, ông Dũng cho hay.
Còn ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.
“Việt Nam nằm trong khu vực được dự báo có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Với các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động đến ngành Hàng không như kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch, dân số trẻ và sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu, xu hướng tiêu dùng cởi mở, hạ tầng hàng không, du lịch được nâng cấp, cải thiện thì có thể khẳng định ngành Hàng không Việt Nam có dư địa rất lớn để tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 10 năm tới đây hoàn toàn khả thi”, ông Thắng nhận định.
Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021 – 2030, tại Việt Nam hình thành 30 cảng hàng không (14 cảng HKQT, 16 cảng hàng không quốc nội); tầm nhìn đến năm 2050 hình thành 33 cảng hàng không (14 cảng HKQT và 19 cảng hàng không quốc nội).
Với số lượng cảng hàng không theo quy hoạch, 95% dân số Việt Nam sẽ được tiếp cận cảng hàng không trong phạm vi 100 km; con số tương ứng trên thế giới và các nước Đông Nam Á hiện nay từ 88 – 96%, Nhật Bản và Hàn Quốc từ 95 – 99%.
Nguồn: Tạp chí GTVT
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang