Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyến bay vận chuyển hành khách giảm mạnh khiến hầu hết tàu bay của các hãng hàng không phải “nghỉ đông”. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã có bước đi chiến lược, “biến nguy thành cơ” khi tăng cường vận chuyển hàng hóa để có thể khai thác hiệu quả đội tàu bay trong giai đoạn dịch Covid-19.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Trong giai đoạn khủng hoảng chưa từng có của ngành hàng không thế giới, các hãng bay đang phải tìm kiếm cơ hội để duy trì sự “sống còn”. Với mục tiêu không để lãng phí nguồn lực sẵn có, duy trì vai trò “mạch máu” của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch, một trong những giải pháp lớn mà Vietnam Airlines đưa ra là đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa trên cả khoang hàng lẫn khoang khách để đạt được hiệu suất cao nhất.
Bên cạnh vận chuyển hàng hóa dưới hầm hàng như thường lệ, mới đây, Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng chở hàng trên khoang khách nhằm tận dụng tối đa các khoang rỗng của máy bay. Tuy nhiên, bài toán được đặt ra là làm thế nào để tận dụng tốt nhất tải trọng máy bay, chất xếp hàng hóa trong khoang khách mà vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
Cuối tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã có báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam xin cấp phép chở hàng trên khoang khách cũng như đề ra các nội dung liên quan đến phương án an toàn bay. Đồng thời, Hãng đã nhanh chóng hoàn tất quy trình đào tạo, tổ chức diễn tập chất xếp, phủ lưới cho các lô hàng trên khoang khách. Để tăng cường an toàn bay, Vietnam Airlines đã nghiên cứu các thông số dây chằng, lưới phủ và quy trình chằng buộc, chất xếp nhằm xây dựng sơ đồ vị trí chằng buộc các khối hàng trên khoang khách một cách hiệu quả nhất. Nhiều trang thiết bị trên máy bay như màn hình giải trí, ghế, tựa đầu cũng được tháo dỡ, tay ghế được dựng thẳng và ghế được bọc kín để không bị trầy xước hay hỏng hóc.
Ngày 2/4, Vietnam Airlines đã chính thức được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn phương thức khai thác hàng hóa trên khoang khách. Ngay tối 3/4, chuyến bay đầu tiên chở hàng trên khoang khách đã được thực hiện an toàn tuyệt đối trên đường bay từ Hà Nội đến TP. HCM, với 411 kiện hàng trong khoang khách và 280 kiện trong khoang hàng hóa. Như vậy, hiệu quả vận chuyển hàng hóa đã tăng hơn nhiều so với việc khai thác dưới hầm hàng như thường lệ.
Không ngừng sáng tạo để phát triển
Vận chuyển hàng hóa trên khoang khách là hướng đi mới không chỉ của Vietnam Airlines mà rất nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng đang áp dụng để ứng phó với thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đây là một phương thức chưa có tiền lệ tại Việt Nam, thậm chí cũng rất hiếm trên thế giới, do đó chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện loại hình khai thác này.
Với tinh thần làm việc “thời chiến”, các bộ phận của Vietnam Airlines, đi đầu là Ban An toàn – Chất lượng, đã nhanh chóng triển khai nghiên cứu các quy trình thực hiện để đảm bảo công tác khai thác của Hãng cũng như đáp ứng yêu cầu của nhà chức trách. Ít ngày sau khi Vietnam Airlines chính thức bắt tay nghiên cứu, các Hiệp hội và các nhà sản xuất máy bay đã kịp thời có hướng dẫn ban đầu đối với phương thức này.
Đặc biệt, ngày 2/4, cùng ngày Vietnam Airlines được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn phương thức khai thác hàng hóa trên khoang khách, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã chính thức ban hành hướng dẫn loại hình khai thác này. Thêm một lần nữa, Vietnam Airlines đã có bước đi tiên phong đúng hướng ngay cả khi các tổ chức trên thế giới và nhà chức trách Việt Nam chưa có những hướng dẫn cụ thể. Đây là kết quả đến từ kinh nghiệm được đúc kết trong 25 năm phát triển của Hãng hàng không Quốc gia, giúp Hãng nắm được sự chủ động trong việc tìm ra các hướng đi phù hợp với thị trường cũng như nghiên cứu, xây dựng, hiện thực hóa các quy trình cần thiết.
Ngoài mục đích hạn chế tình trạng tàu bay “nghỉ đông” và đóng góp một phần doanh thu cho Hãng, công tác vận chuyển hàng hóa trên khoang khách còn có ý nghĩa lớn hơn khi góp phần vào việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục tạo ra việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp và nhà máy lớn, đặc biệt là hỗ trợ Chính phủ và ngành y tế trong việc vận chuyển, đảm bảo trang thiết bị, vật tư trong thời gian đất nước và thế giới đang “gồng mình” chống lại dịch bệnh.
Không chỉ dừng lại ở giải pháp ban đầu này, Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều giải pháp mới để cùng đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Giống như Darwin từng nói, “những người sống sót sau cùng không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi nhất để thay đổi”. Với vai trò Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đang phát huy vị thế của ngọn cờ đầu ngành, luôn chủ động, sáng tạo để thích nghi với mọi biến động thị trường và bắt kịp thời cuộc.
Nguồn: spirit.vietnamairlines.com
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang