Chuyến bay VN1 hành trình San Francisco (California, Hoa Kỳ) – Vân Đồn đã đưa hơn 340 công dân Việt Nam về nước.
Chuyến bay đặc biệt huy động số lượng thành viên phi hành đoàn gần gấp đôi so với một chuyến bay đường dài thường lệ. (Ảnh: VNA).
Trong hai ngày 07 và 08/5/2020, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ tổ chức chuyến bay VN1 hành trình San Francisco (California, Hoa Kỳ) – Vân Đồn để đưa hơn 340 công dân Việt Nam về nước. Hành khách chủ yếu là là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa.
Công dân Việt Nam làm thủ tục tại sân bay ở San Francisco, Hoa Kỳ. (Ảnh: VNA).
Trước đó, chuyến bay chiều đi, cũng mang số hiệu VN1, hành trình Hà Nội – San Francisco đã chở theo công dân Hoa Kỳ hồi hương. Chuyến bay này còn hỗ trợ vận chuyến miễn cước trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Một hành khách sử dụng xe lăn trên chuyến bay từ Hoa Kỳ. (Ảnh: VNA).
Hoa Kỳ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines và là đường bay dài có tổng chiều dài hành trình khứ hồi hơn 25.000 km, nên công tác tổ chức chuyến bay này đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam, Vietnam Airlines với các nhà chức trách Hoa Kỳ. Công tác xin cấp phép bay trải qua nhiều khâu, thực hiện với nhiều đơn vị trong nhiều ngày để nhà chức trách Hoa Kỳ đi đến quyết định cấp phép cho chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam khởi hành vào ngày 7/5.
Hành khách xuống tàu tại Vân Đồn. (Ảnh: VNA).
Các chuyến bay được khai thác bằng máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Boeing 787-10. So với tổ bay của một chuyến bay chặng dài thường lệ là 14 đến 16 người, chuyến VN1 huy động số lượng thành viên tổ bay gần gấp đôi, lên tới gần 30 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 02 nhân viên kỹ thuật, 02 nhân viên mặt đất. Việc này nhằm đảm bảo an toàn bay, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe của tổ bay. Cơ trưởng chịu trách nhiệm chính trên chuyến bay có hơn 26 năm kinh nghiệm, đồng thời chính là phi công từng lái Boeing 787-9 và Boeing 787-10 đầu tiên của Vietnam Airlines từ nơi lắp ráp ở Hoa Kỳ về Việt Nam vào các năm 2015, 2019. Không chỉ có phi công, tiếp viên, chuyến bay còn chở theo nhân viên kỹ thuật, nhân viên mặt đất giàu kinh nghiệm để thực hiện các nghiệp vụ hành khách, hành lý, kiểm tra kỹ thuật cần thiết ngay tại sân bay ở Hoa Kỳ.
TGĐ Vietnam Airlines Dương Trí Thành (áo trắng, chính giữa) thăm tổ bay, kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi chuyến bay khởi hành từ Việt Nam. (Ảnh: VNA).
Tổng chiều dài hành trình khứ hồi là hơn 25.000 km. Tổng thời gian thực hiện hành trình khoảng 33 tiếng. (Ảnh: VNA).
Toàn bộ hành trình khứ hồi từ lúc cất cánh tại Nội Bài, đến Hoa Kỳ và trở về Vân Đồn kéo dài hơn 33 tiếng. Quá trình phục vụ từ mặt đất đến trên không được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn bay. Tổ bay được trang bị bảo hộ y tế toàn thân, hạn chế di chuyển, giao tiếp trong quá trình phục vụ. Hành khách được đo thân nhiệt trước khi lên tàu. Mỗi hành khách được Vietnam Airlines cung cấp 02 khẩu trang kháng khuẩn để sử dụng trong suốt hành trình. Sau khi chuyến bay từ Hoa Kỳ hạ cánh tại Vân Đồn, các hành khách được đưa đi cách ly tập trung theo quy định, còn tàu bay được vệ sinh, khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách.
Hành khách tại Vân Đồn. (Ảnh: VNA).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước đã tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt từ Pháp, UAE, Canada, Anh, Italia, Nhật Bản… về nước. Thời gian tới, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, năng lực cách ly tại các địa phương trong nước và diễn biến của dịch bệnh, các cơ quan chức năng và các hãng hàng không sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước.
Nguồn: spirit.vietnamairlines.com
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang