Tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Lai Châu vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Địa phương này cũng xin được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
UBND tỉnh Lai Châu đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không Lai Châu. Ảnh minh họa
Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Cảng hàng không Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên.
Hiện tại, Bộ GTVT đã có Tờ trình 13833 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Tại Tờ trình, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét với các chỉ tiêu định hướng đến giai đoạn 2030, công suất thiết kế của sân bay Lai Châu dự kiến 0,5 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09ha. Ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỷ đồng.
“Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới, cũng như phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Dự án cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Dũng cho hay.
Xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Dự án Cảng hàng không Lai Châu là dự án động lực quan trọng của tỉnh Lai Châu cần đầu tư giai đoạn 2021-2025
Theo lãnh đạo Lai Châu, tỉnh đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được ghi nhận ở nhiều văn bản.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều đột phá mang tính chiến lược, trong đó có định hướng xây dựng Cảng hàng không Lai Châu.
“Tỉnh Lai Châu đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Hiện nay, có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thông tin.
Từ đây, tỉnh này đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng đó, đề nghị giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Lãnh đạo tỉnh cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Điều này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, còn tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối… và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc có đường biên giới dài 265,165km, có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới.
Khu vực gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh bằng các tuyến Quốc lộ 4D, 70, 32, đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu, có tiềm năng phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.
Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông kết nối đến địa phương chỉ có đường bộ, nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguồn: Báo Giao Thông
Trong Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, lần đầu tiên mẫu máy bay “Made in Vietnam” được giới thiệu. Mẫu máy bay này có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80 – 90 %
Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh ngành hàng không sau khi phê duyệt việc sáp nhập Korean Air-Asiana Airlines, China Airlines sẽ tăng tải đến Prague và Vienna… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
Lần đầu tiên tại Việt Nam diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn máy bay và di dời máy bay mất khả năng di chuyển
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang