Để giải bài toán giá vé máy bay, đòi hỏi có sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là việc rà soát, điều chỉnh giảm các loại thuế, phí…
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm mùa hè sắp tới; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ đường hàng không… Đây là yêu cầu mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cùng các hãng hàng không liên quan đến câu chuyện “hạ nhiệt” giá vé máy bay thời gian qua.
Tăng tải đường bay nội, bổ sung máy bay
Trong văn bản trên, Bộ GTVT giao Cục HKVN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và hành khách; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động bán vé, kê khai và niêm yết giá vé của các hãng hàng không; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giá.
Cục HKVN chủ trì làm việc với các hãng để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng tải cung ứng cho các đường bay nội địa trước mắt và lâu dài; tạo điều kiện tối đa cho các hãng bổ sung thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn cao điểm mùa hè và chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm.
Hiện tại, nhiều hãng hàng không cũng đang thực hiện giải pháp tăng tải đường bay nội, tăng thêm hàng triệu vé máy bay đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp hè như chỉ đạo của Bộ GTVT và trước đó là Chính phủ.
Với việc ngành hàng không triển khai các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ, kỳ vọng giá vé máy bay “hạ nhiệt” trong thời gian tới
Theo đó, Vietjet vừa cung cấp thêm 1,4 triệu vé, tương đương mức tăng xấp xỉ 35% tải cung ứng nội địa để phục vụ người dân và du khách trên các đường bay đến và đi từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên, Phú Quốc, Đà Lạt… Những đường bay phục vụ nhu cầu du lịch trong nước dịp hè này đều được tăng tần suất.
Trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, Vietjet đã tăng cường các chuyến bay đêm với mức tăng xấp xỉ 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương với 3.100 chuyến bay đêm trên các đường bay từ Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang đi và đến các tỉnh. Mở bán các chuyến bay đêm với mức giá kích cầu từ TP HCM đi các tỉnh phía Bắc Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa…
Vietnam Airlines cũng mở bán gần 300.000 vé máy bay giá rất hấp dẫn trong mùa cao điểm hè năm nay với chương trình “Bay giờ đêm, thêm giá tốt”. Hành khách có thể mua vé máy bay nội địa với mức giá từ 1,098 triệu đồng/chiều cho hạng phổ thông và từ 1,905 triệu đồng/chiều cho hạng thương gia. Giá này đã bao gồm thuế, phí trên các chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn. Một số đường bay du lịch trọng điểm cũng được mở bán mức giá ưu đãi đặc biệt giữa Hà Nội đi Nha Trang, Đà Nẵng; TP HCM đi Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Phú Quốc…
Phải giảm thuế, phí
Giá vé máy bay duy trì ở mức cao thời gian qua là vấn đề không mới, liên tục được đề cập, thậm chí Bộ GTVT từng yêu cầu Cục HKVN rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không. Kết quả cho thấy, giá vé máy bay tăng từ 2,1% đến 39,9%, song không vượt trần!
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dự báo tăng cao trong dịp hé
Trao đổi với phóng viên, đại diện một số hãng hàng không khẳng định không hãng nào dám bán vé máy bay vượt giá trần quy định. Có điều, dải giá vé máy bay linh hoạt, trước đây có nhiều vé khuyến mại, giá rẻ thì nay do chi phí đầu vào tăng nên vé rẻ không còn, giá vé cao hơn nhưng vẫn trong quy định cho phép.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airlines, nhìn nhận câu chuyện giá vé máy bay cao thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà xu hướng chung của các nước. Báo cáo xu hướng toàn cầu do FCM Consulting (công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp nêu rõ, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17% – 25% so với năm 2019.
Ở thị trường trong nước, tổng tải thị trường mất khoảng 50 máy bay do lỗi động cơ của nhà sản xuất Mỹ và phải bảo trì, sửa chữa. Chưa kể, gần như toàn bộ công nghệ phục vụ bay và phương tiện bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đều ở dạng thuê mua, rất ít người sở hữu nguyên chiếc máy bay. Từ phần mềm bay, hệ thống check in – check out, phần mềm từ bay trên bầu trời cho đến quản lý dưới mặt đất, từ sửa chữa động cơ cho đến trang thiết bị… đều phải đi thuê, chi phí rất cao.
Dự báo xu hướng sắp tới, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines nhận định tình trạng thiếu máy bay, chi phí đầu vào cao chắc chắn sẽ bủa vây ngành hàng không, ít nhất đến cuối năm nay. Do đó, để giải bài toán “hạ nhiệt” vé máy bay đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là việc rà soát, điều chỉnh giảm các loại thuế, phí. “Đơn cử việc trước đây đã từng cho phép các khách sạn áp dụng giá điện sản xuất chứ không phải giá điện thương mại trong thời điểm phòng chống COVID-19. Nay có thể cân nhắc hỗ trợ cho các hãng hàng không bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu máy bay; các loại phí cất hạ cánh và phí khác giảm 50%…” – ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Nhiều hãng hàng không khác cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng. Ông Trương Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, đề xuất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. Quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay là vẫn còn bất cập.
Nguồn: Báo Người Lao Động
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang