Theo Quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, trong đó, có 6 sân bay sẽ được xây dựng mới và hai sân bay được chuyển mục đích sử dụng từ quân sự sang lưỡng dụng, đặt tại các tỉnh: Đồng Nai, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Trị, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 7/6/2023, đến năm 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính ở Hà Nội và TP HCM.
Trong đó, ở giai đoạn này, cả nước sẽ có thêm 6 sân bay dân dụng mới, gồm: Long Thành, Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết. Ngoài ra, hai sân bay quân sự là sân bay Biên Hoà và sân bay Thành Sơn cũng được quy hoạch thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng. Vậy tiến độ những sân bay này hiện ra sao?
Sân bay Long Thành
Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997. Hơn 20 năm sau, ngày 5/1/2021, công trình mới chính thức khởi công giai đoạn 1.
Dự án được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư khái toán là hơn 16 tỷ USD, chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD.
Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với một đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội và các Bộ, ngành vào ngày 8/8, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành và xong chạy thử trước 31/8/2026 để có thể đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 2/9/2026.
Tuy nhiên, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã có Tờ trình đề xuất xây dựng thêm một đường cất hạ cánh ngay trong giai đoạn 1 và lùi thời gian hoàn thành dự án xuống cuối năm 2026.
“Dự tiến độ đầu tư đường băng thứ hai khoảng 24 tháng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nên nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay thì công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2026. Ngoài ra, quá trình thực hiện giai đoạn 1 cũng gặp một số khó khăn về thời gian chuẩn bị đầu tư dự án và thời gian thực hiện dự án, dẫn tới chưa đáp ứng tiến độ”, Bộ GTVT lý giải.
Sân bay Quảng Trị
Ngày 6/7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T – CIENCO 4 đã chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.
Trước đó, tại Quyết định số 2148 ngày 20/12/2021, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Đây là sân bay thứ hai trên cả nước được đầu tư theo phương thức này, sau sân bay Vân Đồn.
Phối cảnh sân bay Quảng Trị
Theo Quy hoạch, sân bay Quảng Trị sẽ được xây dựng trên địa bàn các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai của huyện Gio Linh, với quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Trong đó, thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, dự án sẽ được đưa vào khai thác sử dụng.
Sân bay Phan Thiết
Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (kết hợp quân sự và dân dụng) được Bộ GTVT quy hoạch năm 2013 với diện tích 543 ha tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, đã được khởi công từ tháng 1/2015.
Đến đầu tháng 8 năm nay, hạng mục sân bay quân sự đã được Quân chủng Phòng không Không quân đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với hạng mục hàng không dân dựng theo hợp đồng BOT, chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty CP Rạng Đông cũng đã tổ chức thi công một số hạng mục.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã được thống nhất chủ trương nâng cấp từ cảng hàng không cấp 4C lên cấp 4E với một đường băng dài 3.050 m; nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm để đảm bảo khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển lâu dài.
Hiện tại, dự án này vẫn đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT bởi theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án điều chỉnh làm thay đổi quy
Sân bay Sapa
Ngày 21/10/2021, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công – tư (PPP) tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, diện tích sử dụng đất là 371 ha, tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 6.948 tỷ đồng.
Phối cảnh sân bay Sapa
Về quy mô dự án, giai đoạn 1 dự kiến xây dựng sân bay Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.
Dự án đã được động thổ vào ngày 3/3/2022 và đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 với diện tích 295,2 ha. Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua hai lần mời thầu, nhưng đến hiện tại, dự án vẫn không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nên chưa thể khởi công xây dựng.
Sân bay Nà Sản
Sân bay Nà Sản được xây dựng từ năm 1950 tại tỉnh Sơn La và đã đóng cửa vào năm 2004 do đường cất hạ cánh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia, sân bay này sẽ được xây dựng lại với quy mô là cảng hàng không cấp 4C, công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2050 có công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.
Sân bay Nà Sản đã dừng hoạt động từ năm 2004 (Ảnh: Báo Đầu tư).
Theo tính toán của UBND tỉnh Sơn La, tổng mức đầu tư của dự án này là 3.046 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 cần 2.586 tỷ đồng, chia thành ba dự án thành phần. Tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư sân bay Nà Sản theo hình thức PPP và giao tỉnh Sơn La chủ trì triển khai thực hiện dự án.
Ngày 12/7, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Cục hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm lập quy hoạch để thực hiện theo quy định, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Sân bay Lai Châu
Ngày 12/3, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, sân bay Lai Châu sẽ là cảng hàng không quốc nội, quy mô cấp 3C, công suất thiết kế 500.000 hành khách/năm, định hướng đến năm 2050 là 1,5 triệu hành khách/năm.
Dự án có diện tích sử dụng đất là 117,09 ha, vị trí xây dựng được quy hoạch là tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 8/2022, tỉnh Lai Châu đã đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu theo phương thức đối tác công – tư (PPP) và giao UBND tỉnh chủ trì thực hiện dự án.
Ngày 18/10/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu.
Sân bay Biên Hoà và Sân bay Thành Sơn
Sân bay Biên Hoà và sân bay Thành Sơn là hai sân bay quân sự tại các tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận. Theo quy hoạch, hai sân bay này sẽ được phát triển thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng.
Sân bay Thành Sơn hiện là cảng hàng không cấp 4C, có hai đường cất hạ cánh rộng 31 m và 23 m, dài hơn 3 km, dự kiến sẽ có công suất phục vụ 1,5 triệu khách/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.
Cuối tháng 9/2023, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời hạn lập quy hoạch được tiến hành trong hai năm 2023 – 2024.
Còn sân bay Biên Hoà hiện thuộc quản lý của Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng, đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống đài chỉ huy… Theo dự kiến, khi đưa vào khai thác lưỡng dụng, sân bay này sẽ có công suất phục vụ 5 triệu khách/năm trong thời kỳ 2021 – 2030.
Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Ngày 30/9, Bộ GTVT ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn: Spirit Vietnam Airlines
Sáng nay, tại trụ sở chính của Bay Việt (TP.HCM), Cơ trưởng Tô Ngọc Giang – P.TGĐ Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919, Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo Bay Việt – đã có buổi gặp gỡ thân mật với Ban Điều hành, đội ngũ Giáo viên và cán bộ công nhân viên Bay Việt để chúc mừng các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.
Vietnam Airlines vừa chính thức khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Phnôm Pênh (Campuchia), trở thành hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác đường bay thẳng giữa thủ đô hai nước.
Để đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng của bão Trà Mi, Cục Hàng không quyết định tạm dừng khai thác bốn sân bay Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai trong ngày 27 và 28-10.
Máy bay của hãng Korean Air khởi hành từ Đà Nẵng đi Hàn Quốc phải hủy chuyến vì bị móp đầu.
+84 905 325 860 / +84 909 345 860
Trụ sở chính 117 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM
Cơ sở huấn luyện bay Sân bay Rạch Giá - 418 Cách Mạng Tháng Tám, P.Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang